Gương Thánh Gióng - Dân Làm Báo

Gương Thánh Gióng

Trần Gia Phụng (Danlambao) - Truyền thuyết Hùng Vương đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, xây dựng truyền thống và nền tảng tâm linh của dân tộc. Ngoài chuyện 18 đời vua kéo dài hơn 2,000 năm, truyền thuyết Hùng Vương còn gồm nhiều cổ tích lý thú. 

Một trong những cổ tích rất ý nghĩa trong hoàn cảnh đất nước hiện nay là chuyện “Thánh Gióng” hay “Phù Đổng Thiên Vương”. Nhân Lễ Giỗ Tổ năm nay, xin mời quý vị cùng ôn lại câu chuyện thần kỳ nầy.

Chuyện Thánh Gióng 

Chuyện xưa kể rằng vào đời Hùng Vương thứ 6, giặc Ân ở phương bắc cướp phá miền biên giới. Vua Hùng lo ngại, cử người đi khắp nơi tìm kiếm nhân tài ra giúp nước, chống ngoại xâm. Lúc bấy giờ, tại làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, có một em bé ba tuổi xin đi đánh giặc giúp vua, cứu nước, và yêu cầu triều đình rèn một con ngựa sắt, một cây roi sắt, một thanh kiếm sắt và một chiếc nón sắt. 

Sứ giả về triều, trình tấu chuyện lạ lên vua Hùng. Trước đây, nhà vua đã được một nhà tiên tri báo tin, nên chuẩn y ngay và ra lệnh thực hiện yêu cầu của em bé. Khi ngựa sắt và chiến cụ được đúc xong, em bé vươn vai, biến thành người cao lớn, tự xưng là “thiên tướng”, nhảy lên ngựa sắt, cầm roi sắt ra trận. Phá xong giặc Ân, vị thiên tướng đến núi Sóc (Sóc Sơn), bay về Trời ngày mồng 9 tháng 4 âm lịch. 

Hùng Vương nhớ ơn, tôn xưng thiên tướng là Phù Đổng Thiên Vương, lập miếu thờ trên nền nhà cũ ở làng Phù Đổng. Vua Lý Thái Tổ (trị ví 1010-1028) phong làm Xung Thiên Thần Vương, tạc tương ở núi Vệ Linh, mỗi năm cúng tế hai mùa. (Lược kể theo “Truyện Đổng Thiên Vương”, Lĩnh Nam chích quái, Hà Nội: tác giả Vũ Quỳnh - Kiều Phú, bản dịch của Nxb. Văn Học, 1990, tt. 42-44.) 

Phù Đổng Thiên Vương được dân chúng tôn xưng là Thánh Gióng, một trong “Tứ bất tử’ theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ba vị kia là Tản Viên sơn thần, Chử Đồng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh. 

Ý nghĩa và gương Thánh Gióng 

Tuy là cổ tích, nhưng chuyện Phù Đổng Thiên Vương bao hàm nhiều ý nghĩa thật thâm thúy và làm gương cho hậu thế. Xin được lược kể như sau: 

1. Văn minh Cổ Việt 

Thứ nhứt, điều đáng chú ý trước tiên là trình độ kỹ thuật thời cổ Việt trong truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương. Những khí cụ được nhắc đến là ngựa sắt, roi sắt, kiếm sắt và nón sắt. Phải chăng người cổ Việt thời Hùng Vương đã biết luyện thép để đúc được những dụng cụ bằng sắt? Đây chỉ là câu hỏi giả thiết thôi, cần phải tìm những chứng lý cụ thể mới có thể xác định trình độ văn minh kỹ thuật người cổ Việt thời Hùng Vương. Dầu sao, đây cũng là dấu chỉ cho những nhà nghiên cứu cổ sử suy nghĩ. Trong cổ sử, giai đoạn đồ sắt tiếp theo sau thời kỳ đồ đồng. Cổ Việt rất nổi tiếng với trống đồng Đồng Sơn, mà chủ nhân là người Lạc Việt, khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. 

2. Đại nạn Trung Hoa 

Thứ hai, nước Việt chúng ta nằm bên cạnh và phía nam nước Trung Hoa. Do đặc điểm địa chính trị, truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương cho thấy ngay từ thời xa xưa, người Việt phải đối mặt với tham vọng xâm lược của giới cầm quyền phương Bắc. Trong lịch sử, giới cầm quyền nầy luôn luôn tìm cách đánh chiếm nước ta để mở rộng lãnh thổ, bành trướng quyền lực và tìm đường xuống phương Nam. 

Đây là một đại nạn thường trực đối với người Việt. Chẳng những các triều đình quân chủ ngày xưa, mà ngày nay nhà cầm quyền Trung Cộng cũng muốn xâm chiếm nước ta. Năm 1939, Mao Trạch Đông viết rằng Việt Nam là một nước phụ thuộc Trung Hoa. (Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Hà Nội: Nxb. Sự Thật, không đề tên tác giả, 1979, tr. 16.) Rồi sau đó, xảy ra những chuyện Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông mà mọi người đều biết rõ rồi. Xin ghi nhận thêm là năm 1939, Hồ Chí Minh có mặt ở Trung Hoa. 

3. Độc lập dân tộc 

Thứ ba, Phù Đổng Thiên Vương là cổ tích ghi lại cuộc xâm lăng đầu tiên từ phương Bắc bị thất bại, vì nước Nam đã được thiên tướng giúp đỡ. Sự xuất hiện của thiên tướng làng Phù Đổng là một ẩn dụ cho thấy kẻ xâm lăng sẽ bị luật Trời trừng phạt vì ỷ nước lớn mà ăn hiếp nước nhỏ, không tôn trọng nền độc lập của nước láng giềng. 

Ý niệm nầy được Lý Thường Kiệt (1019-1105) triển khai khi hô hào quân sĩ bảo vệ quê hương vào thế kỷ 11: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.” (Núi sông nước Nam vua Nam ở / Sách trời đã định vậy rồi / Tại sao lũ bạo ngược tới xâm phạm? / Thế nào chúng cũng chuốc lấy thất bại.) 

Nói một cách nôm na, nhà ai nấy ở, đừng xâm phạm lẫn nhau. Quy luật nầy hợp với lẽ tự nhiên của Trời đất. Tất cả các dân tộc trên thế giới đều được quyền sống tự do, bình đẳng, nên ngày nay các nước trên thế giới đồng thuận và luật pháp quốc tế bảo trợ. Nếu Trung Cộng ỷ mạnh xâm lăng Việt Nam thì nhân dân Việt Nam sẽ chống đánh đến cùng để bảo vệ nền độc lập dân tộc, và dư luận thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam. 

4. Tuổi trẻ dấn thân 

Thứ tư, khi giặc phương Bắc đe dọa biên cương, em bé ba tuổi làng Phù Đổng được phép mầu, biến thành vị thiên tướng khổng lồ, cầm quân đánh giặc. Cổ tích không kể rõ tuổi tác vị thiên tướng lên ngựa sắt cầm quân ra trận, nhưng chắc chắn Ngài là một nhà yêu nước trẻ tuổi, quyết tranh đấu bảo vệ quê hương. 

Trong lịch sử nước ta, từ thời Hai Bà Trưng cho đến ngày nay, rất nhiều anh hùng trẻ tuổi xuất hiện, gánh vác chuyện nước non khi tổ quốc lâm nguy. Không kể thời cổ sử hay trung sử, trong thời hiện đại, từ đầu thế kỷ 20, biết bao anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi đã hy sinh cho tổ quốc, nhứt là trong cuộc chiến vừa qua, thanh niên đã lên đường chiến đấu chống cuộc xâm lăng của cộng sản Bắc Việt Nam. 

Ngày nay cũng vậy. Những nhà tranh đấu hiện nay ở trong nước noi theo gương Thánh Gióng, đều là những người trẻ tuổi yêu nước, tranh đấu chống bất công, chống Trung Cộng xâm lăng. Cuộc tranh đấu càng ngày càng được hưởng ứng, khiến cho cộng sản rất sợ hãi và đàn áp tàn bạo. Tuy nhiên, cộng sản càng đàn áp, thì ngọn lửa đấu tranh càng bùng lên, càng có nhiều thanh niên đứng lên tiếp tục cuộc vận động chống Trung Cộng xâm lược và đòi hỏi tự do dân chủ. Cuộc tranh đấu liên tục của giới trẻ chứng minh cho thế giới thấy rằng người Việt Nam không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản và muốn hội nhập vào trào lưu dân chủ toàn cầu. 

5. Hy sinh vô vị lợi 

Thứ năm, em bé làng Phù Đổng không đòi hỏi điều kiện gì để lên đường cứu nước, mà chỉ xin cung cấp chiến cụ để xuất trận. Sau khi đánh đuổi thành công giặc ngoại xâm phương Bắc, tức sau khi đã hoàn thành thiên mệnh, vị thiên tướng làng Phủ Đổng cỡi ngựa đến Sóc Sơn và bay về Trời, theo đúng ý nghĩa của người xưa là “công thành, thân thoái” (công việc thành rồi thì rút lui). (Lão Tử, Đạo dức kinh, chương 9.) 

Sự về Trời của Phù Đổng Thiên Vương có ý nghĩa sâu xa kín đáo ở chỗ vị thiên tướng đã hy sinh cứu dân giúp nước hoàn toàn vô vị lợi rồi ra đi, không ở lại thế gian, không để lại dấu tích, không kể công chiến đấu, không màng đến danh lợi phú quý, hoặc đền ơn trả nghĩa 

Ngày nay, rất nhiều người trẻ tuổi trong nước theo gương Thánh Gióng, miệt mài tranh đấu, hy sinh vô vị lợi. Những Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Trần Thị Nga, Mẹ Nấm... đã hy sinh đời sống cá nhân sung túc, hy sinh đời sống gia đình hạnh phúc, để đi vào con đường tranh đấu chông gai tù tội, chỉ vì tương lai dân tộc. 

Kết luận 

Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng đúng là một huyền thoại trong lịch sử. Theo những nhà nghiên cứu, huyền thoại là những câu chuyện có tính cách tưởng tượng, "được trình bày như thể đã thực sự xảy ra ở một thời đại trước để giải thích những truyền thống có tính cách vũ trụ luận và siêu nhiên của một dân tộc, những vị thần linh, những anh hùng, những đặc điểm văn hóa và tín ngưỡng của họ..." (Maria Leach & Jerome Fried [biên tập] và một nhóm tác giả, Funk & Wagnalls Standard Dictionary of Folklore, Mythology, and Legend, San Francisco: Harper, 1984, tr, 778. (Phần định nghĩa nầy do Ermine W. Voegelin viết.) 

Rõ ràng huyền thoại Thánh Gióng có tính cách tưởng tượng, nhưng đã đưa ra những thông điệp rất thực tế, về văn minh cổ Việt, đại nạn Trung Hoa, độc lập dân tộc, và nhứt là đã để lại tấm gương bất từ cho đời sau. Đó là truyền thống chống ngoại xâm, tuổi trẻ bất khuất, sự dấn thân và hy sinh vô vị lợi. 

Hiện nay, trước sự hy sinh cao cả của những anh hùng trẻ tuổi trong nước, xin đồng bào hải ngoại hãy cùng nhau tiếp tay yểm trợ phong trào dân chủ quốc nội, nhằm giải thể chế độ hiện hành, mới có thể tránh đại nạn bắc thuộc lần nữa. 

24.04.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo